NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM TÁI SINH TỰ NHIÊN CỦA THÔNG HAI LÁ DẸT (Pinus krempfii) TẠI VƯỜN QUỐC GIA BIDOUP – NÚI BÀ, TỈNH LÂM ĐỒNG
Lê Xuân Trường, Trương Quang Cường
TÓM TẮT
Nghiên cứu tiến hành tại Vườn Quốc gia Bidoup- Núi Bà, là nơi có loài Thông hai lá dẹt phân bố để đánh giá tình hình tái sinh tự nhiên của loài cây này. Kết quả cho thấy Thông hai lá dẹt là loài cây ưu thế phân bố trong các trạng thái rừng hỗn giao cây lá rộng và lá kim tại khu vực nghiên cứu. Mật độ trung bình tầng cây cao là 896 cây/ha, rừng nhiều tầng với độ tàn che cao, đạt trên 0,7. Trong tổ thành cây tái sinh thì loài cây có hệ số cao nhất là Dẻ xanh (0,96), tiếp đến là Côm cuống dài (0,76), Kha thụ nhím (0,68), Trâm vỏ đỏ (0,52), Trâm trắng (0,50) và 42 loài còn lại là 6,57. Thông hai lá dẹt chưa thấy xuất hiện trong công thức tổ thành cây tái sinh. Mật độ cây tái sinh tính chung cho các loài khá cao, đạt từ 3.750 đến 6.750 cây/ha, trung bình đạt 5.718 cây/ha với tỷ lệ cây tốt trung bình chiếm 54,4%. Mật độ tái sinh của riêng loài Thông hai lá dẹt đạt từ 166 đến 292 cây/ha, trung bình 250 cây/ha. Đây là mật độ tương đối cao, tuy nhiên tỷ lệ cây tái sinh triển vọng có chiều cao từ 2m trở lên lại rất ít. Phân bố số cây tái sinh loài cây này giảm mạnh theo cấp chiều cao. Phân bố cây tái sinh trên bề mặt đất rừng là phân bố cụm. Độ tàn che cao và sinh trưởng của cây bụi thảm tươi, độ dày lớp thảm mục có thể là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của lớp cây tái sinh. Ngoài ra địa hình và các hoạt động của con người như việc đào trộm cây tái sinh về làm cảnh cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và khả năng sinh tồn của cây tái sinh loài Thông hai lá dẹt tại khu vực nghiên cứu.
Từ khóa: Thông hai lá dẹt, tái sinh, rừng hỗn giao, hệ số tổ thành, độ tàn che, cây tái sinh triển vọng.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Suy thoái tài nguyên rừng trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang diễn ra khá phổ biến. Rừng suy thoái, chất lượng rừng thấp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng của rừng như cung cấp lâm sản, bảo vệ môi trường và đặc biệt là đảm bảo tính đa dạng sinh học. Trong những nguyên nhân gây suy thoái rừng thì việc không đảm bảo lượng cây tái sinh tự nhiên là một trong những nguyên nhân quan trọng. Thông hai lá dẹt là loài cây đặc hữu của vùng nam Tây nguyên nước ta có phân bố trong rừng tự nhiên của Vườn Quốc Gia Bidoup- Núi Bà. Tuy nhiên hiện nay tỷ lệ cây tái sinh triển vọng rất thấp mặc dù số lượng cây mạ và cây con tái sinh cao. Điều này dẫn đến việc thiếu hụt lớp cây kế cận thay thế cho tầng cây cao khi các cây này quá già cỗi và chết, làm cho số lượng cá thể của loài cây này sẽ bị suy giảm, tăng nguy cơ tuyệt chủng loài trong tương lai. Nghiên cứu thực trạng để tìm ra các nguyên nhân ảnh hưởng tới tái sinh tự nhiên làm cơ sở đề xuất giải pháp đảm bảo lượng cây tái sinh triển vọng, giúp bảo tồn loài Thông hai lá dẹt, một loài thực vật đặc hữu, quý hiếm là việc làm có ý nghĩa và cần thiết, góp phần duy trì tính đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng tại Vườn Quốc gia Bidoup- Núi Bà.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Kế thừa các tài liệu: về điều kiện cơ bản của khu vực nghiên cứu và các tài liệu, công trình nghiên cứu có liên quan đến cây Thông hai lá dẹt.
- Sơ thám khảo sát xác định ranh giới khu vực phân bố, chọn địa điểm lập ô tiêu chuẩn (OTC): Trên cơ sở tham khảo bản đồ hiện trạng rừng của Vườn Quốc gia, lựa chọn các khu vực có loài Thông hai lá dẹt phân bố để tiến hành sơ thám, lựa chọn vị trí đặt các OTC điển hình tạm thời. Trong 04 tiểu khu (89, 90, 100 và 103) có Thông lá dẹt phân bố tiến hành lập 12 OTC, mỗi tiểu khu 03 OTC. Diện tích mỗi OTC là 1000m2 (25mx 40m).
- Đặc điểm sinh học của Thông hai lá dẹt: Các chỉ tiêu vật hậu được quan sát theo từng thời kỳ trong quá trình nghiên cứu (01 năm). Định kỳ hàng tháng vào rừng, đến vị trí các OTC đã lập để theo dõi, đo đếm, chụp ảnh và ghi chép các chỉ tiêu điều tra cũng như các hiện tượng nảy chồi, rụng lá, ra nón, thời kỳ nón chín của loài Thông hai lá dẹt trong năm.
- Đặc điểm lâm học của rừng Thông hai lá dẹt: Trên các OTC đã lập tiến hành đo đếm các chỉ tiêu sinh trưởng của các cây thân gỗ thuộc tầng cây cao như đường kính ngang ngực, chiều cao vút ngọn, đường kính tán. Số liệu điều tra được ghi vào các mẫu biểu quy định trong điều tra lâm học. Kết quả được tính toán bằng phần mềm Microsoft Excel và các phần mềm thống kê phù hợp. Hệ số tổ thành của tầng cây cao được tính theo mức độ quan trọng (IV%). Số liệu điều tra được kiểm tra mức độ đồng nhất về các chỉ tiêu thống kê của các OTC của mỗi tiểu khu rồi gộp lại tính chung cho từng tiểu khu.
- Tình hình tái sinh dưới tán rừng Thông hai lá dẹt: Trong mỗi OTC lập 05 ô dạng bản (ODB) có diện tích 4m2 (2m x 2m), 4 ODB ở 4 góc của OTC, một ODB ở giữa OTC, tổng số 60 ODB (tương đương diện tích 240m2) để điều tra tình hình tái sinh dưới tán rừng như loài cây, chiều cao, chất lượng, mật độ. Đo chiều cao cây tái sinh bằng sào có khắc vạch đến cm. Chiều cao được chia theo 4 cấp (< 0,5m; 0,5- 1m; 1- 2m và > 2m). Hệ số tổ thành được tính theo số cây. Cây tái sinh triển vọng là cây sinh trưởng trung bình đến tốt, có chiều cao từ 2m trở lên.
- Một số nhân tố ảnh hưởng tới tái sinh tự nhiên của Thông hai lá dẹt: các nhân tố như độ tàn che, cây bụi thảm tươi, địa hình, độ dày tầng thảm mục và tác động của con người sẽ được xác định thông qua đo đếm, khảo sát ngoài hiện trường kết hợp với phỏng vấn các bên liên quan để xác định mức độ ảnh hưởng đến tái sinh loài cây này..
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1 Đặc điểm sinh học loài Thông hai lá dẹt
Thông hai lá dẹt là cây lá kim gỗ lớn, có tán hình ô, cao 30-35 m, đường kính thân có thể đạt tới 3m, gốc có bạnh vè. Vỏ cây già màu nâu hồng, bong thành mảng không đều, có nhựa. Mỗi cành ngắn mang 2 lá, tập trung thành túm nhỏ ở đầu cành. Đặc điểm đặc trưng nhất là lá hình dải mác nhọn đầu, dẹp.
Hình 01: Hình ảnh về cành, lá, nón và cây Thông hai lá dẹt
Thông hai lá dẹt có tán cây khá rộng, dày và sẫm màu. Đoạn thân dưới cành lớn, hầu như không có cành nhánh, tròn đều. Cây mầm thường có khoảng 10 -13 lá mầm đầu tiên có hình xoắn cong về một hướng như lưỡi liềm, lá dài khoảng 2-3cm, sau đến là các lá nhỏ mọc quanh thân, dài 1,5- 2,5cm. Khi cây ở độ tuổi non (5- 20 tuổi) lá dài và rộng bản (dài 10-15cm) hơn so với lá cây trưởng thành, xếp như hai lưỡi kéo. Khi cây trưởng thành, lá nhỏ và ngắn hơn (dài 4- 5cm), màu sẫm, mọc thành búi dày ở đầu cành, làm cho tán cây thông già trở nên dày và sẫm màu hơn. Sinh trưởng đường kính chậm, tăng trưởng đường kính khoảng 1mm/năm.
Nón Thông hai lá dẹt đơn tính cùng gốc, nón đực hình trụ, nón cái mọc đơn độc, hướng xuống dưới, hình trứng, dài 4 – 9 cm, rộng 3 – 8 cm. Nón xuất hiện vào tháng 4 – 5, hạt chín vào tháng 9– 10 năm sau. Khi chín các vảy nón không mở hết đến gốc. Mặt vảy lồi, hình thoi với một đường ngang lồi ở giữa. Hạt màu nâu nhạt và có cánh trắng, khi chín, hạt có thể phát tán trong một phạm vi tương đối rộng và nón còn tồn tại một thời gian trên cây.
- Đặc điểm lâm học của rừng Thông hai lá dẹt
- Cấu trúc tổ thành tầng cây cao
Bảng 01: Tổ thành rừng nơi có loài Thông hai lá dẹt phân bố
STT | Tiểu khu | Công thức tổ thành theo IV% |
1 | 89 | 1,487 T2d + 0,839 Cm + 0,679 Cd + 0,586 T5l + 0,51Cx + 5,88 Lk |
2 | 90 | 14,35 Cmb + 11,19 T2d + 06,77Dx + 06,73Cvn + 6,23Cd +5,89 Kh + 48,74 Lk |
3 | 100 | 0,954Th + 0,78 Tt + 0,761 Ktn + 0,727 T2d + 0,652 Re + 0,635 Dx + 0,562Cvn + 4,93 Lk |
4 | 103 | 1,58 T2d + 1,566 Dx + 1,37 Cmb+ 0,507 Cd + 4,979 Lk |
Trong đó:
T2d: Thông hai lá dẹt Cm: Cáp mộc Cmb: Cáp mộc bidoup
Cd: Côm cuống dài T5l: Thông 5 lá Cx: Chò xót Dx: Dẻ xanh
Cvn: Cáp mộc việt nam Kh: Kháo Th: Tiểu hồi Tt: Trâm trắng
Ktn: Kha thụ nhím Re: Re Lk: Loài khác
Tại các tiểu khu thì Thông hai lá dẹt mọc hỗn giao với các loài cây gỗ lớn khác. Mặc dù ở các khu vực khác nhau có sự chênh lệch về số lượng loài tham gia công thức tổ thành và hệ số tổ thành của các loài. Tuy nhiên sự sai khác này là không nhiều. Trong các tiểu khu thì Thông hai lá dẹt đều tham gia vào công thức tổ thành tính theo mức độ quan trọng với hệ số tổ thành lần lượt là 1,487; 11,19; 0,727 và 1,58 tương ứng với các tiểu khu 89, 90, 100 và 103. Đây là các hệ số tổ thành cao (đứng thứ nhất với tiểu khu 103 và tiểu khu 89, đứng thứ hai ở tiểu khu 90 và đứng thứ 4 ở tiểu khu 100). Điều đó chứng tỏ rằng Thông hai lá dẹt là loài chiếm ưu thế sinh thái, là thành phần chính tham gia vào tổ thành rừng.
Cấu trúc mật độ tầng cây cao
Bảng 02: Mật độ tầng cây cao
STT | Tiểu khu | Số cây bình quân trên OTC | Mật độ (cây/ha) |
1 | 89 | 108 | 1080 |
2 | 90 | 89 | 890 |
3 | 100 | 78 | 780 |
4 | 103 | 80 | 800 |
Trung bình | 89 | 888 |
Qua biểu tổng hợp mật độ tầng cây cao cho thấy mật độ cây tại các khu vực nghiên cứu dao động từ 780 đến 1080 cây/ha, trung bình 888 cây/ha. Như vậy ở cả 4 tiểu khu tầng cây cao đều có mật độ khá cao. Đây có thể là nguyên nhân làm cho độ tàn che cao, dẫn đến tỷ lệ cây tái sinh triển vọng của lâm phần nói chung và của loài Thông hai lá dẹt nói riêng bị suy giảm.
- Cấu trúc tầng thứ và độ tàn che
Hình 4.2: Quần xã rừng nơi phân bố Thông hai lá dẹt tại tiểu khu 103
Cấu trúc tầng thứ
Thảm thực vật tại khu vực nghiên cứu có cấu trúc tầng thứ rõ ràng với tầng vượt tán, tầng tán chính, tầng dưới tán, tầng thảm tươi và thực vật ngoại tầng. Tầng vượt tán bao gồm những cây có chiều cao từ 20-30m, đường kính D1,3 từ 40-60 cm, cá biệt có thể lên đến 3m, vượt lên trên tầng tán chính của rừng, đặc trưng bởi các loài: Thông hai lá dẹt, Thông năm lá, Pơ mu, Cáp mộc việt nam, Dẻ xanh…Tầng tán chính bao gồm những cây có chiều cao từ 15 đến 20 m, đường kính D1.3 20-50 cm dặc trưng bởi các loài: Giổi nha trang, Dẻ đấu bằng, Hồng quang, Kha thụ nhím, Cáp mộc bidoup, Côm cuống dài… Tầng dưới tán đặc trưng bởi các loài cây bụi ưa bóng và cây tái sinh như: Dương xỉ thân gỗ, Cơm nguội (Ardisia sp), Xú hương (Lasianthus sp), Mua (Melastoma sp)… Tầng thảm tươi là những loài thân thảo sống dưới sàn rừng có chiều cao bình quân khoảng 2 mét, đặc trưng bởi các loài: Chùy hoa (Strobilanthes sp), Riềng (alpinia sp), Cói (Carex sp), Quyển bá (Selaginella sp)… Thực vật ngoại tầng khá đa dạng: các loài dây leo kích thước lớn như: Dây gắm (Gnetum sp), Công chúa đồng (Artabotrys sp)…Trên tán lá có các loại thực vật bì sinh thuộc họ Lan như: Dendrobium sp, Eria sp, Bubophylum sp, Pholidota sp…và hầu hết các thân cây đều có Rêu (Embryophyta) bao phủ.
Độ tàn che
Bảng 03: Độ tàn che ở các tiểu khu
STT | Tiểu khu | Độ tàn che trung bình |
1 | 89 | 0,75 |
2 | 90 | 0,72 |
3 | 100 | 0,71 |
4 | 103 | 0,70 |
Trung bình | 0,72 |
Kết quả trên cho thấy, tại khu vực nghiên cứu độ tàn che ở các đai dao động từ 0,7 đến 0,75, trung bình đạt 0,72. Đây là độ tàn che cao, tạo điều kiện tốt cho cây con trong giai đoạn đầu và các cây chịu bóng sinh trưởng và phát triển nhưng có thể lại cản trở cây ưa sáng và cây rừng sau giai đoạn chịu bóng, khi nhu cầu ánh sáng của cây tăng lên.
- Tình hình tái sinh dưới tán rừng nơi phân bố loài Thông hai lá dẹt
- Tổ thành cây tái sinh
Bảng 04: Tổ thành cây tái sinh tại khu vực nghiên cứu
STT | Tiểu khu | Công thức tổ thành cây tái sinh |
1 | 89 | 1,54 Đq + 1,38 Ktn + 1,14 St + 0,73 Du + 5,2 Lk |
2 | 90 | 1,6 Cd + 0,8Dx Lx + 0,74 Tvd + 0,68 Kh + 0,68 Ktn + 0,56 Tt + 0,56 Du + 4,38 Lk |
3 | 100 | 1,53 Dx+ 0,89 Re+ 0,73 Cvn + 0,56 Cd +6,29 Lk |
4 | 103 | 0,96 Dx+ 0,76 Cd+ 0,68 Ktn + 0,52 Tvd + 0,56 Tt + 6,57 Lk |
Trong đó:
Cd: Côm cuống dài Đq: Đỗ quyên St: Sơn trà Dx: Dẻ xanh
Cvn: Cáp mộc việt nam Du: Dung Tvđ: Trâm vỏ đỏ Tt: Trâm trắng
Ktn: Kha thụ nhím Kh: Kháo Re: Re Lk: Loài khác
Toàn bộ khu vực nghiên cứu có 05 loài có ưu thế về số lượng cây tái sinh là: Dẻ xanh, Côm cuống dài, Kha thụ nhím, Trâm vỏ đỏ và Trâm trắng. Loài Thông hai lá dẹt có số lượng cây con tái sinh nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ, chưa thấy xuất hiện trong tổ thành cây tái sinh. So sánh tương đồng giữa tổ thành tầng cây cao và tổ thành cây tái sinh cho thấy Thông hai lá dẹt tham gia ưu thế vào công thức tổ thành tầng cây cao nhưng lại không xuất hiện trong công thức tổ thành cây tái sinh. Điều đó cho thấy khả năng duy trì vai trò sinh thái của loài Thông hai lá dẹt trong quần xã thực vật rừng trong tương lai không ổn định.
Mật độ cây tái sinh
Bảng 05: Tình hình tái sinh trong lâm phần Thông hai lá dẹt tại khu vực nghiên cứu
STT | Tiểu khu | Lâm phần (Cây/60 ODB) | Lâm phần (Cây/ha) | Thông hai lá dẹt (Cây/60 ODB) | Thông hai lá dẹt (Cây/ha) |
1 | 89 | 123 | 5.125 | 6 | 250 |
2 | 90 | 162 | 6.750 | 7 | 292 |
3 | 100 | 124 | 5.167 | 7 | 292 |
4 | 103 | 90 | 3.750 | 4 | 166 |
Trung bình | 125 | 5.198 | 6 | 250 |
Khu vực nghiên cứu có mật độ cây tái sinh tính chung cho toàn lâm phần đạt từ 3.750 đến 6.750 cây/ha, trung bình 5.198 cây/ha. Trong đó nếu tính riêng cho loài Thông hai lá dẹt thì mật độ tái sinh dao động từ 166 đến 292 cây/ha, trung bình 250 cây/ha. Đây là mật độ cây tái sinh khá cao, có thể đáp ứng nhu cầu tái sinh trong tương lai. Tuy nhiên cần xem xét tỷ lệ cây tái sinh triển vọng vì nhiều khi mật độ cây tái sinh cao nhưng tỷ lệ cây triển vọng thấp sẽ không thể đảm bảo tái sinh tự nhiên.
Chất lượng cây tái sinh
Bảng 06: Chất lượng cây tái sinh của lâm phần và của Thông hai lá dẹt theo %
STT | Tiểu khu | Toàn lâm phần | Thông hai lá dẹt | ||||
Tốt | TB | Xấu | Tốt | TB | Xấu | ||
1 | 89 | 51,22 | 42,28 | 6,50 | 33,33 | 50,00 | 16,67 |
2 | 90 | 51,85 | 40,12 | 8,02 | 42,86 | 42,86 | 14,29 |
3 | 100 | 52,42 | 40,32 | 7,26 | 16,67 | 50,00 | 33,33 |
4 | 103 | 62,22 | 31,11 | 6,67 | 50,00 | 50,00 | 0,00 |
Trung bình | 54,43 | 38,46 | 7,11 | 35,75 | 48,21 | 16,07 |
Trong toàn lâm phần thì tỷ lệ cây tái sinh có phẩm chất tốt cao, chiếm 54,43%, tỷ lệ cây phẩm chất xấu chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (7,11%). Nếu tính riêng cho loài Thông hai lá dẹt thì tỷ lệ cây tái sinh tốt và cây trung bình cũng rất cao, chiếm lần lượt là 35,75% và 48,71%. Tỷ lệ cây xấu chỉ chiếm 16,07. Như vậy nếu chỉ căn cứ vào chất lượng cây tái sinh thì có thể nói tình hình tái sinh tự nhiên của các lâm phần nói chung và của loài Thông hai lá det tại khu vực nghiên cứu là khá khả quan.
Phân cấp chiều cao cây tái sinh loài Thông hai lá dẹt
Bảng 07: Phân cấp chiều cao cây tái sinh Thông hai lá dẹt
STT | Tiểu khu | Mật độ (cây/ha) | Cấp chiều cao (m) | |||
< 0,5 | 0,5- 1 | 1- 2 | > 2 | |||
1 | 89 | 250 | 166 | 42 | 42 | 0 |
2 | 90 | 292 | 166 | 84 | 0 | 42 |
3 | 100 | 292 | 124 | 84 | 42 | 42 |
4 | 103 | 166 | 124 | 0 | 42 | 0 |
Trung bình | 250 | 145 | 52 | 31 | 21 | |
Tỷ lệ % | 100 | 58,00 | 21,00 | 12,60 | 8,40 |
Mặc dù mật độ cây tái sinh Thông hai lá dẹt tại các tiểu khu chưa cao nhưng cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ, có thể đảm bảo tái sinh của loài cây này. Tuy nhiên thông qua phân cấp chiều cao cho thấy tỷ lệ cây tái sinh của Thông hai lá dẹt giảm mạnh theo cấp độ cao. Trong giai đoạn Thông hai lá dẹt tái sinh có chiều cao nhỏ dưới 0,5m thì số lượng lớn (chiếm 58,00% tổng số cây tái sinh). Số lượng cây Thông hai lá dẹt giảm dần, đến khi cây đạt yêu cầu cây tái sinh triển vọng về chiều cao thì chỉ còn 8,40% tổng số cây tái sinh. Điều này gây bất lợi cho tái sinh tự nhiên loài cây này.
Hình 03: Cây Thông hai lá dẹt tái sinh 10 năm tuổi
4. Một số nhân tố ảnh hưởng tới tái sinh dưới tán rừng nơi phân bố loài Thông hai lá dẹt
- Ảnh hưởng của lớp thảm mục
Qua quan sát tại các ODB thì do điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, nhất là độ cao so với mặt nước biển lớn nên quá trình phân hủy lớp thảm mục dưới tán rừng diễn ra khá chậm, tầng thảm mục dầy. Cây con phát triển rất tốt, nhưng hệ rễ không phát triển tương xứng với chiều cao cây, cây thường không phát triển rễ cọc mà chỉ phát triển rễ chùm theo chiều ngang. Đến khi chiều cao cây tăng lên, tán lá phát triển rộng ra thì hệ rễ không đủ sức chống đỡ nên cây sẽ bị đổ và chết. Đây cũng là một hiện tượng “bẫy sinh thái” ở trong rừng.
- Ảnh hưởng của độ tàn che, thảm tươi, cây bụi tới tái sinh
Bảng 08: Mật độ cây tái sinh dưới các độ tàn che khác nhau
Độ tàn che | Dưới 70% | Từ 70 đến 75% | Trên 75 % |
Mật độ cây tái sinh Thông 2 lá dẹt (cây/ha) | 250
|
281 | 250
|
Mật độ Thông 2 lá dẹt tái sinh triển vọng (cây/ha) | 21
|
0 | 0 |
Qua nghiên cứu về độ tàn che, mật độ của tầng cây gỗ và cây tái sinh đã cho thấy: độ tàn che và mật độ tầng cây gỗ ít ảnh hưởng đến mật độ cây tái sinh của loài Thông hai lá dẹt nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ cây tái sinh triển vọng. Độ tàn che dưới 70% có xuất hiện cây tái sinh triển vong, còn trên giá trị này thì không còn cây tái sinh triển vọng. Với mật độ trung bình tầng cây gỗ cao nên độ tàn che lớn, ức chế lớp cây tái sinh, nhất là số cây tái sinh triển vọng. Trong khu vực nghiên cứu, lớp cây bụi thảm tươi đã làm cho độ che phủ của khu vực tăng cao, cạnh tranh với lớp cây tái sinh. Khi xuất hiện những lỗ trống từ những cây ở tầng vượt tán bị ngã đổ do quá thành thục tự nhiên, do gió bão… thì cây bụi thảm tươi với ưu thế sinh trưởng nhanh đã che phủ những lỗ trống từ đó cản trở tái sinh tự nhiên của các loài cây gỗ nói chung và của loài Thông hai lá dẹt nói riêng.
- Ảnh hưởng của địa hình tới tái sinh
Địa hình cũng là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến tái sinh, nhất là sự thay đổi về hướng phơi. Qua kết quả điều tra tại khu vực nghiên cứu cho thấy những ô có hướng phơi Đông và Đông-Nam thường có tỷ lệ cây tái sinh cao hơn các hướng phơi khác. Nguyên nhân là các hướng phơi này nhận được nhiều ánh nắng mặt trời hơn các hướng phơi còn lại.
- Ảnh hưởng của con người tới tái sinh
Là loài cây đặc hữu có hình thái thân, tán lá đẹp, có thể trồng làm cảnh nên trong những năm gần đây, tình trạng người dân vào rừng tìm kiếm cây Thông hai lá dẹt tái sinh làm cây cảnh xảy ra rất phổ biến. Tại khu vực nghiên cứu thường bắt gặp các dấu hiệu của việc người dân đào trộm cây Thông hai lá dẹt tái sinh về trồng làm cảnh.
Thảo luận: Từ những phân tích ở trên cho thấy cây tái sinh của loài Thông hai lá dẹt có số lượng cây tái sinh triển vọng không nhiều và phụ thuộc nhiều vào độ tàn che của tầng cây cao cũng như sinh trưởng cây bụi thảm tươi, độ dày lớp thảm mục và việc đào trộm cây về là cây cảnh của người dân. Để nâng cao tỷ lệ cây tái sinh triển vọng thì cần làm vệ sinh rừng, luỗng phát cây bụi, thảm tươi, dọn bớt thảm mục để cải thiện điều kiện ánh sáng, tạo điều kiện cho cây tái sinh phát triển, bén rễ xuống tầng đất rừng. Những nơi cây tái sinh nhỏ, cây mạ dày mà có độ tàn che rừng cao thì nên bố trí đánh cây con về ươm trong vườn ươm cho đến khi cây đử tiêu chuẩn thì trồng dưới tán rừng ở nơi có độ tàn che dưới 0,7 hay trồng vào các lỗ trống trong rừng
KẾT LUẬN
Thông hai lá dẹt là cây lá kim gỗ lớn, có tán rộng, cao 30-35 m, đường kính thân có thể đạt tới 3m, gốc có bạnh vè. Nón đơn tính cùng gốc, xuất hiện vào tháng 4 – 5, hạt chín vào tháng 7 – 10. Khi chín hạt có thể phát tán trong một phạm vi tương đối rộng.
Thông hai lá dẹt là loài chiếm ưu thế sinh thái, là thành phần chính tham gia vào tổ thành rừng. Độ tàn che tầng cây cao dao động từ 0,7 đến 0,75, trung bình đạt 0,72.
Các loài có ưu thế về số lượng cây tái sinh tại khu vực nghiên cứu là: Dẻ xanh; Côm cuống dài; Kha thụ nhím; Trâm vỏ đỏ và Trâm trắng. Loài Thông hai lá dẹt có cây con tái sinh nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ nên chưa thấy xuất hiện trong tổ thành cây tái sinh. Mật độ cây tái sinh loài Thông hai lá dẹt dao động từ 167 đến 292 cây/ha, trung bình 250 cây/ha. Tỷ lệ cây tái sinh tốt và trung bình của loài Thông lá dẹt khá cao, tỷ lệ cây tái sinh chất lượng xấu thấp. Tỷ lệ cây tái sinh của Thông hai lá dẹt giảm mạnh theo cấp độ cao.
Lớp thảm mục dưới tán rừng dày khiến hệ rễ không phát triển tương xứng với chiều cao cây tái sinh, không đủ sức chống đỡ khi cây lớn lên. Ở độ tàn che từ 0,7 trở lên không còn cây tái sinh triển vọng. Hướng phơi cũng là yếu tố có ảnh hưởng đến tái sinh do ảnh hưởng đến mức độ chiếu sáng của mặt trời. Tình trạng người dân vào rừng tìm kiếm, đánh cây Thông hai lá dẹt tái sinh mang về trồng làm cây cảnh xảy ra phổ biến tại khu vực nghiên cứu. Đây là các nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hụt của lớp cây tái sinh kế cận trong tương lai của loài cây này nên cần có giải pháp khắc phục.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường (1996), Sách Đỏ Việt Nam (phần Thực vật), NXB Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.
2. G. N. Baur (1974), Cơ sở sinh thái học kinh doanh rừng mưa, Nxb KHKT, Hà Nội.
3. Nguyễn Tiến Hiệp, Phan Kế Lộc, Nguyễn Đức Tố Lưu, Philip Ian Thomas, Alios Farjon, Leonid Averyanov và Jacinto Regalado Jr (2004), Thông Việt Nam nghiên cứu hiện trạng bảo tồn 2004, Nxb Lao động xã hội, Hà Nộ
4. Phạm Hoàng Hộ (1999), Cây cỏ Việt Nam, NXB trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Vũ Tiến Hinh (1995), Điều tra rừng, Trường Đại học Lâm nghiệp, Hà Tây.
6. Ngô Kim Khôi (1993), Thống kê ứng dụng trong điều tra quy hoạch điều chế rừng, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
7. Ngô Kim Khôi, Nguyễn Hải Tuất, Nguyễn Văn Tuấn (2001), Tin học ứng dụng trong Lâm nghiệp, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
8. Nguyễn Hoàng Nghĩa (2004), Cây lá kim Việt Nam, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
9. Nguyễn Hoàng Nghĩa (1999), Bảo tồn Đa dạng sinh học, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
10. UCN, UNEP, WWF (1993), Cứu lấy trái đất, chiến lược cho cuộc sống sống bền vững, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
11. Phan Kế Lộc (1984), “Các loài thuộc lớp Thông Pinopsida của hệ thực vật Việt Nam”, Tạp chí Sinh học, Trang 6(4), 5-10.
12. Thái Văn Trừng (1999), Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nộ
RESEARCH ON NATURAL REGENERATION OF Pinus krempfii IN BIDOUP – NUI BA NATIONAL PARK, LAM DONG PROVINCE
Le Xuan Truong, Truong Quang Cuong
ABSTRACT
Research was conducted in Bidoup-Nui Ba National Park, where Pinus krempfii distributes to evaluate the natural regeneration of this tree species. Results showed that Pinus krempfii is dominant tree species that distributes in mixed forest of coniferous and broadleaf trees in the study area. The average density of timber tree is 896 trees/ha, forest canopy has multiple layers with canopy cover reachs over 0.7. Pinus krempfii has not appeared in regeneration tree composition. For regeneration tree composition, Lithocarpus pseudosundaicus has the highest value (0.96), then Elaeocarpus apiculatus (0.76), Castanopsis echidnocarpa (0.68), Syzygium zeylanicum (0.52), Syzygium lineatum (0.50) and the remaining 42 species (6.57). Tree regeneration density is relatively high from 3,750 to 6,750 trees/ha, average 5,718 trees/ha with the average 54.4% of good tree. Density of regeneration tree of Pinus krempfii is from 166 to 292 trees/ha, average 250 trees/ha. This is a relatively high density, however prospect regeneration tree (with height of above 2m) rate is very low. Regeneration trees decline severly when trees getting higher and have clumped distribution (cluster). High canopy coverage, the growth of shrubs, and litter thickness can cause stunted in the growth of regeneration tree. Topography and human activities such as digging regeneration trees for ornamental purpose also are the factors affecting the growth and viability of Pinus krempfii regeneration trees in the study area.
Keywords: Pinus krempfii, regeneration, mixed forest, tree composition, canopy cover, prospect regeneration tree.
Xin cảm ơn đã xem bài viết!