NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG TÍCH LŨY CÁC BON CỦA MỘT SỐ MÔ HÌNH RỪNG LUỒNG
(Dendrocalamus membranaceus Munro) GÂY TRỒNG TẠI TỈNH THANH HÓA
Lê Xuân Trường
TÓM TẮT
Rừng Luồng ngoài việc cung cấp các lâm sản còn có khả năng cố định các bon, làm giảm nồng độ khí các bon níc trong khí quyển. Thanh Hóa là một tỉnh đi đầu trong cả nước vể phong trào trồng Luồng và diện tích rừng Luồng. Nghiên cứu tiến hành trên 36 OTC điển hình, tạm thời có diện tích 1000m2 (25x 40m) được bố trí trên các dạng lập địa khác nhau ở ba huyện Bá Thước, Lang Chánh và Ngọc Lặc. Mỗi huyện 12 OTC. Trên các OTC tiến hành đo đếm các chỉ tiêu sinh trưởng, lựa chọn cây mẫu để xác định sinh khối, tỷ lệ sinh khối các bộ phận thân khí sinh, thân ngầm, cành, lá và dùng các phương pháp thích hợp để xác định sinh khối rễ, khối lượng thảm mục, hàm lượng mùn trong tầng đất mặt từ đó xác định được lượng sinh khối khô của mỗi bộ phận. Lượng các bon tích lũy được xác định thông qua việc sử dụng các hệ số kế thừa từ các nghiên cứu trước đây. Tổng lượng các bon tích lũy trong rừng Luồng tại Thanh Hóa biến động trong khoảng từ 46,94- 76,22 tấn/ha, trung bình 58,90 tấn/ha, tương ứng với 215,97 tin chỉ C/ha. Có mối tương quan chặt chẽ (R2= 0,93) giữa lượng các bon tích lũy trong rừng Luồng với đường kính trung bình và số cây Luồng trên đơn vị diện tich theo phương trình tương quan: TC= -6,507+ 4,783D1.3 +0,0096N. Dựa trên phương trình tương quan này đã thiết lập được bảng tra nhanh lượng các bon tích lũy trong rừng Luồng theo đường kính trung bình và số cây/ha. Từ lượng các bon tích lũy trong rừng Luồng cho thấy rừng Luồng có tiềm năng cho việc chi trả dịch vụ môi trường rừng và tham gia vào thị trường các bon theo chương trình REDD+.
Từ khóa: Bảng tra, các bon tích lũy, rừng Luồng, sinh khối, Thanh Hóa,
ĐẶT VẤN ĐỀ
Những năm gần đây ngoài khả năng cung cấp gỗ và các lâm sản ngoài gỗ thì giá trị của rừng còn được công nhận thông qua khả năng hấp thụ làm giảm nồng độ khí các bon níc trong khí quyển, qua đó góp phần làm giảm thiểu tác hại của hiệu ứng khí nhà kính.
Trên thế giới cũng như trong nước mặc dù có nhiều công trình nghiên cứu về cây Luồng và cũng có khá nhiều các công trình nghiên cứu về tích lũy sinh khối, hấp thụ các bon của cây rừng tự nhiên cũng như rừng trồng nhưng chưa hề có nghiên cứu nào về khả năng hấp thụ các bon của cây Luồng đơn lẻ nói riêng và của rừng Luồng nói chung. Việc nghiên cứu để xác định lượng các bon tích lũy trong các mô hình rừng Luồng tại địa bàn nghiên cứu làm cơ sở cho việc chi trả dịch vụ rừng và dự án REDD+ cho rừng trồng loài cây này là việc làm mới, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.
Thực tế hiện nay một diện tích không nhỏ rừng Luồng tại địa bàn nghiên cứu được canh tác bởi các hộ gia đình nông dân nghèo, không có điều kiện đầu tư (nhất là kinh phí) để thâm canh rừng, làm cho rừng Luồng bị thoái hóa, giảm sút cả năng suất và chất lượng. Nếu như có thể lượng hóa được lượng các bon tích lũy để đưa ra thị trường thì người dân có thể có thêm một nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư tái sản xuất, phục tráng các khu rừng luồng có trữ lượng thấp. Hơn nữa Luồng là loài cây trồng một lần nhưng có thể cho khai thác nhiều lần, thậm chí có thể khai thác hàng năm với một khoảng thời gian khá dài, từ 30- 50 năm và vẫn giữ được sinh khối ổn định trong thời gian đó nếu được kinh doanh đúng kỹ thuật. Đây chính là thế mạnh của cây Luồng mà các loài cây thân gỗ không thể có được.
Công trình nghiên cứu nhằm xác định được lượng các bon tích lũy trong các bộ phận của cây đơn lẻ là các cây trung bình của các ô tiêu chuẩn từ đó ước tính cho toàn rừng Luồng , xác định lượng các bon tích lũy trong gốc chặt còn chừa lại, trong lớp thảm mục và trong đất. Thông qua kết quả tính toán lượng các bon tích lũy xác định được mối quan hệ giữa lượng các bon tích lũy trong rừng Luồng với các nhân tố điều tra làm cơ sở lập bảng tra nhanh lượng các bon tích lũy và ước lượng hiệu quả kinh tế từ tín chỉ các bon của rừng trồng Luồng ở ba huyện Bá Thước, Lang Chánh và Ngọc Lặc cũng như của tỉnh Thanh Hóa.
QR code truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chuyển đổi số nâng tầm thương hiệu Việt!
Xin cảm ơn đã xem bài viết!