Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số kết quả nghiên cứu về sinh thái, cấu trúc, tái sinh rừng:
VAI TRÒ SINH THÁI CỦA QUẦN THỂ SẾN MỦ (Shorea roxburghii G. Don) TRONG KẾT CẤU LOÀI CÂY GỖ CỦA RỪNG KÍN THƯỜNG XANH ẨM NHIỆT ĐỚI Ở KHU VỰC TÂN PHÚ THUỘC TỈNH ĐỒNG NAI
Trần Quang Bảo, Lê Hồng Việt – Trường Đại học Lâm nghiệp
TÓM TẮT
Bài báo này giới thiệu kết quả nghiên cứu về vai trò sinh thái của quần thể Sến mủ trong kết cấu loài cây gỗ của rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới ở khu vực Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai, làm cơ sở cho việc xây dựng những phương thức lâm sinh để bảo tồn và phát triển. Trong nghiên cứu này, kết cấu loài cây gỗ đã được nghiên cứu dựa trên 12 ô mẫu điển hình với kích thước 0,25 ha. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kết cấu loài cây gỗ của rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới ở khu vực Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai thay đổi tùy theo trạng thái rừng. Tổng số loài cây gỗ bắt gặp trong ba trạng thái rừng là 92 loài thuộc 64 chi của 42 họ. Số loài cây gỗ bắt gặp nhiều nhất ở trạng thái rừng giàu (64 loài), thấp nhất ở trạng thái rừng trung bình (61 loài). Hệ số tương đồng về loài cây gỗ giữa ba trạng thái rừng nhận giá trị trên 70%. Quần thể Sến mủ đóng vai trò ưu thế sinh thái trong cả ba trạng thái rừng; trong đó độ ưu thế của Sến mủ gia tăng dần từ trạng thái rừng nghèo (IVI = 21,8%) đến trạng thái rừng trung bình (IVI = 26,8%) và trạng thái rừng giàu (IVI = 29,2%). Rừng hình thành 3 tầng cây gỗ khá rõ rệt; trong đó Sến mủ cùng với những loài cây gỗ của họ Sao Dầu phân bố ở tầng vượt tán và tầng ưu thế sinh thái.
Từ khóa: Chỉ số giá trị quan trọng, hệ số tương đồng, kết cấu loài cây gỗ, quần xã thực vật rừng, rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới, trạng thái rừng.
0044_viet_vai tro quan the sen mu
ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC KHÔNG GIAN CỦA CÁC LOÀI CÂY ƯU THẾ RỪNG KÍN THƯỜNG XANH ẨM NHIỆT ĐỚI TẠI KHU VỰC TÂN PHÚ, ĐỒNG NAI
Lê Hồng Việt1, Nguyễn Hồng Hải2, Trần Quang Bảo2, Nguyễn Văn Tín1, Lê Ngọc Hoàn2
1. Trường Đại học Lâm nghiệp – Phân hiệu Đồng Nai
2. Trường Đại học Lâm nghiệp
TÓM TẮT
Cấu trúc không gian là một trong những chỉ tiêu quan trọng để mô tả cấu trúc lâm phần. Sử dụng phương pháp phân tích định lượng cấu trúc không gian của rừng dựa vào quan hệ của các cây lân cận nhau. Số liệu được thu thập trên 12 ô tiêu chuẩn 2.500 m2 (50 m x 50 m) của 3 trạng thái rừng (giàu, trung bình, nghèo), kiểu rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới tại khu vực rừng phòng hộ Tân Phú, Đồng Nai. Cây gỗ có đường kính ngang ngực ≥ 6 cm được xác định loài, đo đếm đường kính ngang ngực và vị trí tương đối trong ô tiêu chuẩn. Sử dụng mềm Crancod để tính toán và mô tả các tham số cấu trúc như trộn lẫn, ưu thế đường kính và chỉ số đồng góc. Kết quả cho thấy: tại ba loại trạng thái rừng giàu, trung bình và nghèo, mức độ trộn lẫn của các cây ưu thế thường ở mức cao đến rất cao. Các loài cây gỗ chủ yếu thường có xu hướng sống chung với các loài khác. Đặc điểm ưu thế đường kính của các loài cây gỗ chủ yếu thường có mức độ từ bị chèn ép mạnh tới ưu thế trội. Kết quả nghiên cứu chỉ ra Sến mủ (Shorea roxburghii) thường có mức độ trung bình đến bị chèn ép mạnh về ưu thế đường kính so với những cây xung quanh, Trâm vỏ đỏ (Syzygium zeylanicum) và Làu táu (Vatica odorata) thường có xu hướng ưu thế lấn át về đường kính với cây xung quanh. Đặc điểm đồng góc của các loài cây gỗ chủ yếu tại trạng thái rừng giàu khu vực nghiên cứu thường có mức độ từ đều đến rất cụm, ở trạng thái rừng trung bình và rừng nghèo từ rất đều đến rất cụm. Các tham số cấu trúc không gian của lâm phần là cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp lâm sinh trong quản lý rừng bền vững, xúc tiến tái sinh tự nhiên và phục hồi rừng.
Từ khóa: Cấu trúc không gian, chỉ số đồng góc, rừng tự nhiên nhiệt đới, trộn lẫn, ưu thế.
0045_viet_cau truc khong gian cua loai uu the
ĐẶC ĐIỂM TÁI SINH TỰ NHIÊN CỦA SẾN MỦ (Shorea roxburghii G. Don) DƯỚI TÁN RỪNG KÍN THƯỜNG XANH ẨM NHIỆT ĐỚI Ở KHU VỰC TÂN PHÚ THUỘC TỈNH ĐỒNG NAI
Lê Hồng Việt1, Phạm Văn Hường1, Nguyễn Thị Hà1, Chu Tuấn Anh1
1Trường Đại học Lâm nghiệp – Phân hiệu Đồng Nai
TÓM TẮT
Bài báo này công bố kết quả nghiên cứu về đặc điểm tái sinh tự nhiên của Sến mủ dưới tán ba trạng thái rừng giàu, trung bình và nghèo thuộc kiểu rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới ở khu vực Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai. Kết cấu loài cây gỗ của ba trạng thái rừng đã được nghiên cứu dựa trên 9 ô tiêu chuẩn điển hình (OTC) với kích thước 0,25 ha/ô. Tái sinh tự nhiên của Sến mủ trong mỗi trạng thái rừng được thu thập từ 45 ô dạng bản (ODB) với kích thước 16 m2 (4*4 m). Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng độ ưu thế của Sến mủ gia tăng dần từ trạng thái rừng nghèo (IVI = 21,8%) đến trạng thái rừng trung bình (IVI = 26,8%) và trạng thái rừng giàu (IVI = 29,2%). Cây tái sinh Sến mủ đóng vai trò ưu thế trong tổ thành tái sinh ở cả ba trạng thái rừng; trong đó tỷ lệ số cây giảm dần từ trạng thái rừng giàu (38,0%) đến trạng thái rừng trung bình (35,6%) và trạng thái rừng nghèo (24,5%). Sến mủ tái sinh liên tục dưới tán rừng. Mật độ cây tái sinh Sến mủ ở trạng thái rừng giàu (2.375 cây/ha) cao hơn tương ứng 1,2 lần và 2 lần so với trạng thái rừng trung bình (2.000 cây/ha) và trạng thái rừng nghèo (1.188 cây/ha). Số lượng cây tái sinh Sến mủ có triển vọng (Hvn > 200 cm và chất lượng tốt) thay thế lớp cây mẹ đạt cao nhất ở trạng thái rừng trung bình (344 cây/ha), kế đến là trạng thái rừng giàu (281 cây/ha), thấp nhất ở trạng thái rừng nghèo (187 cây/ha).
Từ khóa: rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới, Sến mủ, tái sinh tự nhiên, Tân Phú – Đồng Nai, trạng thái rừng.
0046_viet_dac diem tai sinh tu nhien sen mu
HÀM ƯỚC LƯỢNG TỶ LỆ CÂY HỌ SAO DẦU (Dipterocarpaceae) TRONG RỪNG KÍN THƯỜNG XANH ẨM NHIỆT ĐỚI Ở KHU VỰC TÂN PHÚ THUỘC TỈNH ĐỒNG NAI
Lê Hồng Việt1*, Nguyễn Văn Thêm2, Phạm Minh Toại3
1Trường Đại học Lâm nghiệp – Phân hiệu Đồng Nai
2Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp TP. Hồ Chí Minh
3Trường Đại học Lâm nghiệp
TÓM TẮT
Rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới ở khu vực Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai đóng vai trò to lớn về kinh tế và môi trường. Hiện nay quản lý rừng đòi hỏi ước lượng chính xác số cây của họ Sao Dầu trong các cấp đường kính và cấp chiều cao. Để góp phần làm rõ vấn đề đặt ra, bài báo này giới thiệu các hàm ước lượng tỷ lệ cây họ Sao Dầu trong các cấp đường kính và cấp chiều cao của ba trạng thái rừng. Các hàm được xây dựng từ số liệu thu thập tại 45 ô tiêu chuẩn với kích thước 2500 m2/ô tiêu chuẩn. Các hàm thích hợp được kiểm định bằng hàm logistic bậc 1 và bậc 2. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng hàm hồi quy logistic bậc 2 là hàm thích hợp để mô tả mối quan hệ giữa tỷ lệ số cây của họ Sao Dầu với trạng thái rừng, cấp đường kính và cấp chiều cao. Tỷ lệ số cây trung bình của họ Sao Dầu trong các cấp đường kính và cấp chiều cao ở trạng thái rừng rất giàu lớn hơn so với trạng thái rừng trung bình và trạng thái rừng giàu tương ứng là 18,0% và 12,0%.
Từ khoá: cây họ Sao Dầu, cấu trúc rừng, hàm logistic, quần thụ, Rkx
0047_viet_ham uoc luong cay ho dau
QR code truy xuất nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ. Chuyển đổi số nâng tầm thương hiệu Việt
Xin cảm ơn đã xem bài viết!