CHUYỂN ĐỔI SỐ, GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY SẢN PHẨM OCOP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Chương trình OCOP được xác định là một giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP cho bà con nông dân.
Sản phẩm OCOP Hồng trà của tỉnh Hà Giang
Trong thời kỳ công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển nông nghiệp đã và đang góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều yếu tố thuận lợi cho chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) phát huy hiệu quả kinh tế cao.
Nhằm phát triển bền vững thị trường thương mại điện tử, thúc đẩy giao thương, huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, và tăng trưởng sản phẩm OCOP nói riêng, góp phần tăng tổng sản phẩm nông lâm nghiệp trong khu vực.
Đáng chú ý, thời gian qua, các Doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đã chủ động cải tiến bao bì, mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Đơn cử như một số HTX trên địa bàn Nghĩa Tá, (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) là những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP. Thời gian qua để quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm trà hoa vàng, các HTX đã cùng các thành viên tập trung kinh phí đầu tư máy móc hiện đại sản xuất trà hoa vàng cũng như ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook để mở rộng khách hàng, kết nối với các đơn vị tiêu thụ.
Nhờ chủ động, nắm bắt nhanh lợi thế của các nền tảng mạng xã hội đã giúp cho sản phẩm của các HTX tiếp cận được với đông đảo khách hàng, góp phần giải quyết việc làm cho các thành viên và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Ngoài ra chuyển đổi số đã giúp các HTX liên kết với các đối tác, kết nối với các đơn vị thu mua để xuất khẩu sản phẩm, trao đổi với người dân vùng trồng nguyên liệu về quy trình, kỹ thuật chăm sóc bảo đảm đạt tiêu chuẩn, yêu cầu về sạch, an toàn. Cũng từ chuyển đổi số HTX có thể tìm hiểu, nâng cao nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, từ đó lượng tiêu thụ hàng hóa sản xuất ra cũng bán tốt hơn.
Để ứng dụng tốt môi trường số, cũng như khoa học kỹ thuật, các HTX thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn khoa học – kỹ thuật, chuyển đổi số. Các cơ quan, đơn vị của huyện đã kết nối cho các HTX với các đơn vị liên quan để người dân từng bước tiếp cận được công nghệ số, nền tảng số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Ứng dụng công nghệ số không chỉ được các HTX ở huyện Chợ Đồn áp dụng, mà các chủ thể, người nông dân tại đây cũng tích cực hưởng ứng. Tiêu biểu như hộ kinh doanh bà Nông Thị Hồng Quyên, tổ 1, thị trấn Bằng Lũng. Với ý tưởng đưa sản phẩm cơm cháy gạo nếp nương của địa phương vươn xa, bà Quyên đã tận dụng lợi thế của các nền tảng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên nền tảng Facebook, Zalo, đồng thời giới thiệu trên trang Website ketnoiocop.vn…
Bà cũng sử dụng công nghệ số để đóng gói, truy xuất nguồn gốc, mã vạch, tạo thuận lợi cho khách hàng tìm kiếm nguồn gốc xuất xứ, thông tin sản phẩm. Nhờ ứng dụng các nền tảng số trong để quảng bá, tiếp thị và bán hàng nên sản phẩm cơm cháy gạo nếp nương đã có mặt tại các thị trường Thái Nguyên, Hà Nội, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi độ giòn, ngon và chất lượng của sản phẩm. Việc tiêu thụ sản phẩm cũng khá thuận lợi do đã kết nối với nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài tỉnh thông qua việc ứng dụng nền tảng mạng xã hội để bán hàng.
Có thể thấy hiệu quả của việc chuyển đổi số không chỉ mang lại cơ hội cho các HTX, Tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Chợ Đồn tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới mà còn tạo điều kiện cho họ tham gia vào các nền tảng giao dịch thương mại, tiếp cận đa dạng khách hàng, quản lý hoạt động kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt đối với việc quảng bá, liên kết tiêu tiêu thụ các sản phẩm OCOP tại địa phương.
Tính đến nay, huyện Chợ Đồn có 31 sản phẩm OCOP, trong đó có 03 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 28 sản phẩm xếp hạng 3. Những sản phẩm này trước đây, bán theo hình thức truyền thống, giờ đây các HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh có thể sử dụng công nghệ số để kinh doanh trên các nền tảng Facebook, Zalo, Tiktok, sàn thương mại điện tử, vừa để quảng bá sản phẩm vừa đem lại nguồn thu lớn hơn so với trước đây. Đến nay 100% các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã; hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn huyện Chợ Đồn đều đã sử dụng hoá đơn điện tử theo quy định; các HTX cũng trang bị điện thoại thông minh để quảng bá, bán hàng trên nền tảng số, mạng xã hội và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, nhằm giúp HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh phát triển sản phẩm OCOP, liên kết tiêu thụ sản phẩm, UBND huyện Chợ Đồn còn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, sự kiện để cho các HTX, hộ kinh doanh quảng bá sản phẩm OCOP như các phiên chợ đêm, Hội xuân ATK Chợ Đồn; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại,… để giúp HTX, hộ kinh doanh kết nối với khách hàng.
Có thể nói, việc mở rộng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội bằng nhiều hình thức đã góp phần giúp sản phẩm OCOP của huyện Chợ Đồn đến gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng cả nước, hướng tới mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững cho sản phẩm OCOP địa phương trên thị trường. Qua việc kết nối với các kênh phân phối hiện đại, các chủ thể OCOP đã chủ động áp dụng chuyển đổi số trong các công đoạn sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm để đáp ứng yêu cầu với sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và thị trường
(Nguồn: TMO – https://mard.gov.vn/)
Xin cảm ơn đã xem bài viết!