TS. Trần Quốc Hoàn.
TÓM TẮT
Sử dụng Bản đồ hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp, Bản đồ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, Bản đồ lập địa, Bản đồ lưu vực, Bản đồ hành chính đã xây dựng được Bản đồ hiện trạng quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp tỉnh Bình Phước năm 2015 trong Mapinfo 10.5. Bản đồ này chính là hệ thống cơ sở dữ liệu để phát triển một số công cụ xây dựng hệ thống hồ sơ quản lý tài nguyên đất lâm nghiệp tỉnh Bình Phước. Những công cụ này, gồm: Công cụ bóc tách bản đồ được phát triển bằng MapBasic 10.5, có chức năng bóc tách từng lô đất trên Bản đồ hiện trạng quản lý, sủ dụng đất và xuất sang định dạng ảnh. Công cụ xây dựng hồ sơ lô đất được phát triển bằng Microsoft Visual C# Professional 2010, có chức năng: (1) Tạo ra một khuôn mẫu hồ sơ quản lý lô đất lâm nghiệp. (2) Truy vấn thông tin của mỗi lô đất từ Bản đồ hiện trạng quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp để cập nhập vào hồ sơ. (3) Cập nhật ảnh bản đồ của lô đất vào hồ sơ. (4) Xuất hô sơ lô đất lâm nghiệp sang word.
Từ khóa: Bình Phước, cộng cụ, hệ thống hồ sơ, quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Bình phước hiện có 176.123,20 ha đất lâm nghiệp, trong đó: 101.241,10 ha đất có rừng (gồm: 27678.50 ha rưng trồng, 73562.60 ha rừng tự nhiên) và 74.882,10 ha đất chưa có rừng. Diện tích đất lâm nghiệp phần lớn nằm sát ranh giới của tỉnh, phân bố trên địa bàn 9 huyện, thị xã và 29 đơn vị quản lý đất lâm nghiệp. Với diện tích và phân bố này, Bình Phước có 6.936 lô đất lâm nghiệp, trong đó 3.479 lô có rừng. Một trong những nhiệm vụ mà ngành lâm nghiệp đã chỉ đạo cho các địa phương, đơn vị quản lý là phải lập hồ sơ quản lý tài nguyên đất lâm nghiệp đến từng lô đất. Hiện tại, hệ thống hồ sơ này trên địa bàn tỉnh là chưa hoàn chỉnh, chủ yếu có trong hồ sơ giao khoán rừng, mà những hồ sơ này cũng đang ở dạng giấy nên không những không thuận lợi trong việc bảo quản, cập nhật, tra cứu, kết nối thông tin, không đồng nhất mà còn tốn kém kinh phí để xây dựng và biên tập chúng. Để khắc phục được những hạn chế này nhằm góp phần quản lý tốt tài nguyên đất lâm nghiệp, nghiên cứu này phát triển một số công cụ xây dựng hệ thống hồ sơ quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến từng lô đất.
2. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng của nghiên cứu này là các lô đất trong số 176.123,20 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
2.2 Nội dung nghiên cứu
Nội dung của nghiên cứu nay, bao gồm: (1) Xây dựng Bản đồ hiện trạng quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp tỉnh Bình Phước. (2) Phát triển công cụ bóc tách lô đất từ bản đồ hiện trạng sử dụng đất. (3) Phát triển công cụ xây dựng hồ sơ lô đất lâm nghiệp.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
2.3.1 Phương pháp luận
Trong lâm nghiệp, tài nguyên đất được quản lý theo hệ thống đơn vị tiểu khu, khoảnh, lô. Mỗi lô có diện tích khoảng 10 ha, có sự đồng nhất về các yếu tố lập địa. Chính sự đồng nhất về các yếu tố lập địa mà lô rừng được chọn là đơn vị cơ bản để quy hoạch, quản lý, sử dụng tài nguyên đất lâm nghiệp (đất có rừng và không có rừng). Bên cạnh đó, để quản lý tài nguyên đất lâm nghiệp được hiệu quả, rõ ràng thì tại Nghị đinh số 23/2006/ND-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ, Thông tư số 25/2009/TT-BNN ngày 05/05/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo việc xây dựng hồ sơ quản lý rừng đến từng lô rừng. Nhưng trong thực tế, việc triển khai nội dung này cũng gặp những trở ngại nhất định về kinh phí, thời gian, kỹ thuật, công tác quản lý, lưu trữ và tra cứu hồ sơ. Nên trên phạm vị một tỉnh thì khó có thể, có được một hệ thống hồ sơ quản lý lô đất lâm nghiệp được hoàn chỉnh, đồng thời quản lý và khai thác chúng được hiệu quả cao. Sẽ thuận lợi hơn cho việc xây dựng, quản lý hệ thống hồ sơ lô đất trên phạm vi một tỉnh, nếu có những công cụ tin học chuyên dụng để xây dựng bản đồ lô đất và xây dựng hồ sơ quản lý lô đất lâm nghiệp một cách tự động hóa.
2.3.2 Phương pháp cụ thể
(1) Xây dựng và phân tích Bản đồ hiện trạng quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp: Chồng xếp các lớp bản đồ hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp năm 2014, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2013, lập địa năm 2014, lưu vực năm 2015, hành chính tỉnh Bình Phước trong Mapinfo 10.5. Tiếp đến là sử dụng các chức năng chuyên dụng, như: lựa chọn “Select”, truy vấn “SQL select”, cập nhật dữ liệu “Update Colomn” để tiến hành lựa chọn, truy vấn, cập nhật bổ sung thông tin cho mỗi lô đất trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp sẽ cho kết quả cuối cùng là Bản đồ hiện trạng quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp tỉnh Bình Phước. Mỗi lô đất trên Bản đồ này sẽ có các thông tin về mã số lô đất, địa giới
hành chính, chủ rừng, hệ thống quản lý đất lâm nghiệp (tiểu khu, khoảnh, lô), quy hoạch ba loại rừng, hiện trạng sử dụng đất, một số yếu tố lập địa, quy hoạch sử dụng đất (trồng rừng, bảo vệ rừng), lưu vực, các hệ số chi trả dịch vụ môi trường rừng, phương thức quản lý và sử dụng đất. Sử dụng Microsoft Visual C# Professional 2010 để phân tích Bản đồ này và Bản đồ này cũng là cơ sở dữ liệu để phát triển các công cụ xây dựng hệ thống hồ sơ quản lý tài nguyên đất lâm nghiệp.
(2) Phát triển công cụ bóc tách lô đất lâm nghiệp trên bản đồ: Trên cơ sở phân tích ý tưởng là phải bóc tách được từng lô đất trên Bản đồ hiện trạng sử dụng đất và chuyển họa sang hồ sơ quản lý đối với lô đất đó, theo yêu cầu của ngành lâm nghiệp. Đồng thời phân tích các đặc điểm tài nguyên đất lâm nghiệp của tỉnh Bình Phước như diện tích, phân bố, quy hoạch, thực trạng sử dụng đất, định hướng phát triển nghành lâm nghiệp…Đã chọn được loại dữ liệu cần để hiệu chỉnh Bản đồ hiện trạng quản lý, sử dụng đất, xác định và thẩm định nội dung phát triển công cụ. Từ nội dung đã xác định thì tiến hành xác định các thuật toán, lập trình phát triển công cụ, chạy thực nghiệm công cụ. Khi đã đạt yêu cầu đề ra thì biên dịch dịch công cụ để tích hợp Với Mapinfo 10.5 và những công cụ khác của nghiên cứu này. Quá trình thực hiện những nội dung này được minh họa thành quy trình phát triển công cụ bóc tách bản đồ như Hình 01.
(3) Phát triển công cụ xây dựng hồ sơ lô đất lâm nghiệp:
Tương tự nh
ư đối với quy trình phát triển công cụ bóc tách bản đồ, trước hết, cũng xuất phát từ những ý tưởng là: Mỗi lô đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh phải có một bộ hồ sơ quản lý ở dạng kỹ thuật số, trong đó có cả về hình ảnh lô đất cũng như những thông tin thuộc tính của đất đó. Nhũng thông tin thuộc tính đó được gắn đúng vị trí, nội dung trên hồ sơ quản lý. (2) Khi hiện trạng lô đất thay đổi thì thông tin trong hồ sơ lô đất cũng thay đổi theo một cách chính xác. (3) Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đều có thể bảo quản, khai thác, sử dụng hệ thống hồ sơ này một cách thuận lợi. Bên cạnh đó là nhu cầu thực tiễn của địa phương: (1) Hiện tại địa phương chỉ có hồ sơ của một số lô đất đang thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. (2) Địa phương cần có hệ thống hồ sơ lô đất để phục vụ cho công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất lâm nghiệp. Từ ý tưởng và yêu cầu thực tế, xác định nội dung của hồ sơ, xây dựng mẫu hồ sơ, thẩm định hồ sơ. Từ mẫu hồ sơ, Bản đồ hiện trạng quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp tiến hành thiết lập các thuật toán, lập trình, thiết kế giao diện tạo công cụ xây dựng hồ sơ quản lý lô đất, tích hợp với công cụ bóc tách bản đồ, chạy thực nghiệm, kiểm tra kết quả, đóng gói công cụ để cài đặt cho các máy tính cá nhân. Quá trình thực hiện những nội dung này được minh họa thành quy trình phát triển công cụ xây dựng hồ sơ quản lý lô đất như Hình 02.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1 Bản đồ hiện trạng quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp tỉnh Bình Phước
Kết quả xây dựng, phân tích Bản đồ hiện trạng quản lý, sử dụng được trình bày như Hình 03, Hình 04, Bảng 01, Bảng 02, Bảng 03 cho thấy: (1) Bình Phước có 176.123,20 ha đất lâm nghiệp, của 6.936 lô đất phân bố không đều trên địa bàn 9 huyện, thị xã, dọc theo ranh giới của tỉnh. Diện tích bình quân lô trên địa bàn tỉnh là 25,3926 ha, nhưng có biến động lớn, từ 17,1281 – 33,0004 ha. Diện tích và số lô đất lâm nghiệp ở các huyện, thị xã cũng có sự biến động lớn. Trong khi huyện Bù Đăng có 58.713,20 ha của 2.437 lô đất thì thị xã Bình Long chỉ có 168,1 ha của 4 lô đất. (2) Diện tích, số lượng lô, diện tích bình quân mỗi lô đất lâm nghiệp cũng có sự biến động lớn theo quy hoạch ba loại rừng. Trong khi đất rừng sản xuất có 96.665,50 ha của 4.396 lô đất với diện tích bình quân lô là 21,9894 ha thì đất rừng đặc dụng có 31.174,50 ha của 684 với diện tích bình quân lô là 45,5768 ha. (3) Trên đất lâm nghiệp có 30 hiện trạng sử dụng đất, trong đó: Đất có rừng là 101.241,10 ha của 10 trạng thái rừng tự nhiên và rừng trồng với diện tích bình quân của mỗi lô là 29,1006 ha. Đất chưa có rừng là 74.882,10 ha của 20 hiện trạng sử dụng đất với diện tích bình quân lô là 21,661 ha. (4) Có 29 đơn vị được giao, cho thuê đất Lâm nghiệp. Diện tích, số lô đất lâm nghiệp của các đơn vị cũng có sự biến động lớn. Trong khi Ban QLRPH Bù Đăng có 36.228 ha của 1.301 lô đất thì UBND xã Đồng Nai có 70,4 ha như Hình 04.
Bên cạnh số lượng lô đất và diện tích bình quân của nó có sự biến động lớn theo địa phương, quy hoạch ba loại rừng, hiện trạng sử dụng đất và đơn vị quản lý đất lâm nghiệp là diện tích bình quân cho mỗi lô đất trên địa bàn toàn tỉnh cũng rất lớn. Nên, để tổ chức sản xuất được chặt chẽ, có hiệu quả hơn thì cần phải quản lý đến từng lô đất bằng hệ thống hồ sơ quản lý tài nguyên đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
3.2 Công cụ bóc tách lô đất
Kết quả phát triển công cụ bóc tách lô đất từ Bản đồ hiện trạng quản lý, sử dụng tài nguyên đất lâm nghiệp trong MapBasic 10.5 được trình bày như Hình 05. Khi được khởi động, công cụ này sẽ tích hợp với Mapinfo 10.5 và trở thành một menu chính “Tach ban do lo dat” trong thanh menu của Mapinfo 10.5. Quá trình thực hiện việc tách bản đồ lô đất được thực hiện theo các bước: (1) Nhập mã lô đất cần tách, chọn OK. (2) Chọn Window, chọn New Map Window, chọn Query1, chọn OK là đã tách được bản đồ lô đất cần tách, như Hình 06. Bản đồ lô đất sau khi tách được lưu sang dạng ảnh bằng cách chọn File, chọn Save Window As…, đặt tên file ảnh và lưu ở định dạng (*.bmp).
3.3 Công cụ xây dựng hồ sơ lô đất lâm nghiệp
Kết quả phát triển công cụ xây dựng hồ sơ lô đất lâm nghiệp trong Microsoft Visual C# Professional 2010 được trình bày như Hình 07, có quy trình xây dựng hồ sơ lô đất như sau: (1) Chọn nút Tạo biểu đồ lô đất để chuyển sang công cụ bóc tách lô đất và thực hiện bóc tách lô đất, xuất ảnh lô đất như ở mục 3.2.
(2) Chọn mã lô đất, chọn nút Hồ sơ lô đất sẽ xuất hiện hồ sơ lô đất trong khung hồ sơ lô đất. (3) Chọn Lưu hồ dự phòng, chọn Hồ sơ lô đất để lưu hồ sơ lô đất sang dạng Text và dạng Word. (4) Chọn Mở hồ sơ lô đất sẽ xuất hồ sơ lô đất dạng Word như Hình 08.
4. KẾT LUẬN
1. Trong số 176.123,20 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 6.936 lô đất. Diện tích trung bình mỗi lô đất là 25,3926 ha, biến động lớn, từ 17,13 – 33,00 ha. Diện tích tích đất lâm nghiệp phân tán dọc theo ranh giới tỉnh, không tập trung. Các lô đất lâm nghiệp phân bố trên: 9 huyện, thị; 30 hiện trạng sử dụng đất; 29 đơn vị quản lý đất lâm nghiệp; đất rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất; nhiều lưu vực và nhiều dạng lập địa khác nhau.
2. Công cụ tách bản đồ lô đất lâm nghiệp từ Bản đồ hiện trạng quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và công cụ xây dựng hồ sơ lô đất lâm nghiệp cho phép tạo hồ sơ cho mỗi lô đất trên địa bàn tỉnh dạng kỹ thuật số, thuận lợi cho việc lưu trữ, cập nhật và tra cứu.
3. Những công cụ trên đã cài đặt, vận hành trên các máy tính, đảm bảo được độ chính xác mong đợi. Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đều có thể sử dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ, 2006. Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. 47 trang.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2009. Thông tư số 25/2009/TT-BNNPTNT ngày 05/5/2009 hướng dẫn thực hiện thống kê, kiểm kê rừng và lập hồ sơ quản lý rừng. 15 trang.
3. Trần Quang Bảo, Chu Ngọc Thuấn và Nguyễn Huy Hoàng 2013. GIS và viễn Thám. Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội, 208 trang.
4. Mapinfo Corporation, 2007. MapBasic 9.0 reference guide, 833 pages.
5. John Sharp 2010, Microsoft® Visual C#® 2010 Step by Step, Microsoft Press, 727 pages.
TS.Trần Quốc Hoàn
Summary
TOOLS BUILD RECORDS SYSTEM TO MANAGE FORESTRY LAND RESOURCE IN BINH PHUOC PROVICE
Using the forest land use map, forest protection and development planning map, site map, basin map, administrative map to build forestry land management and use current map of Binh Phuoc province in 2015 in MapInfo 10.5. This map is a database system for development tools build records system to manage forestry land resource in Binh Phuoc province. These tools include: Tool separate map was developed by MapBasic 10.5 with functional separate of each lot on forestry land management and use current map and export to image formats. Tools for building records system to manage forestry land resource was developed using Microsoft Visual C # Professional 2010, which functions: (1) Create a pattern record to manage forestry plot. (2) The query information of each lot from forestry land management and use current map to update records. (3) Update image maps of lot on record. (4) Exporting of forest land record to Word.
Keywords: Binh Phuoc, tool, records system, management and use forest land.
Xin cảm ơn đã xem bài viết!