TS.Trần Quốc Hoàn – Sở Khoa học và Công nghệ
1. Đặt vấn đề
Công nghệ thông tin đã và đang được khai thác, ứng dụng một cách rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, bởi lẽ hiệu quả mà công nghệ thông tin mang lại là quá lớn. Khi thực hiện đề tài nghiên cứu phân vùng điều kiện lập địa phục vụ cho sản xuất đất lâm nghiệp tại tỉnh Bình Phước theo quy trình đánh giá đất lâm nghiệp trên cơ sở khoa học là xây dựng và phân tích các hàm hồi quy giữa các yếu tố cấu thành lập địa và sinh trưởng của cây trồng đã thu được những kết quả có ý nghĩa lớn về lý luận cũng như thực tiễn, bao gồm: phân loại lập địa từ cấp tiểu vùng lập địa đến cấp dạng lập địa, đánh giá tiềm năng lập địa, đánh giá khả năng thích hợp cho một số loại rừng trồng chủ yếu, lập bảng tra chỉ số sinh trưởng, khuyến nghị sử dụng đất đến từng điểm lập địa (mỗi điểm lập địa là 1 ô vuông có diện tích 1 ha) trên phạm vi toàn tỉnh. Để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất một cách nhanh và hiệu quả nhất, đồng thời góp phần nhỏ vào tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển phần mềm, Đề tài đã phát triển phần mềm Quản lý lập địa tỉnh Bình Phước – Site management 1.0.
2. Giới thiệu phần mềm
Phân mềm Site management 1.0 được ThS.NCS Trần Quốc Hoàn xây dựng từ năm 2012 – 2013 bằng công cụ phát triển phần mềm Microsoft Visual Foxpro 9.0 (MVF9) nhăm góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên đất lâm nghiệp tỉnh Bình Phước.
3 Các bước xây dựng phần mềm
– Tạo cơ sở dữ liệu: Sử dụng Mapinfo 10.5 (Map 10.5) để tạo lưới cơ sở dữ liệu điều kiện lập địa. Lưới cơ sở dữ liệu này là hệ thống ô vuông dạng raster có cạnh 100 m phủ đầy diện tích tỉnh. Mỗi ô vuông được xem là một đối tượng và được cập nhận giá trị thuộc tính là giá trị của các yếu tố cấu thành lập địa, kết quả phân loại và đánh giá lập địa trong môi trường Map 10.5, MVF9 và Statgraphics 15 (Sta15).
– Viết các chương trình ứng dụng: Xuất phát từ yêu cầu giải quyết những bài toán chuyên môn về quản lý lập địa và lưới cơ sở dữ liệu; tiến hành lập lưu đồ chương trình, đồng thời sử dụng ngôn ngữ lập trình MVF9, và sự trợ giúp của Sta15 để viết chương trình. Chương trình viết xong được chạy thử và kiểm tra cho đến khi đạt yêu cầu.
– Tạo trang báo cáo kết quả: Từ kết quả xử lý của những chương trình, tạo ra những báo cáo cho từng nội dung.
– Thiết kế module (form): Từ những chương trình con về quản lý lập địa đã chạy thử thành công, cùng với sự trợ giúp của công cụ phát triển phần mềm MVF9 để thiết kế module theo từng chuyên mục. Modul thiết kế phải trực quan, gọn, dễ sử dụng.
– Thiết kế chương trình chính của phần mềm: Sử dụng ngôn ngữ lập trình MVF9 để viết chương trình chính của phần mềm. Trong đó thiết lập được hệ thống thanh menu theo từng chuyên mục trong quản lý lập địa, mỗi menu chi tiết trong từng chuyên mục được gắn với một module để giải quyết một nội dung nào đó.
– Thiết lập đồ án: Đồ án của phần mềm bao gồm chương trình chính của phần mềm, hệ thống form, báo cáo, biểu đồ và hệ thống cơ sở dữ liệu.
– Đóng gói đồ án: Tạo file exe cho đồ án và tạo đĩa cài đặt.
4. Kết quả xây dựng phần mềm
4.1 Giao diện phần mềm
Để thực hiện được những chức năng cơ bản về quản lý lập địa, phần mềm này đã thiết kế 70 module thuộc các nhóm chức năng, mỗi module thực hiện một nhiệm vụ nào đó và nó có một giao diện rõ ràng. Sau đây, tác giả minh họa một số giao diện sau:
Hình 01: Giao diện tổng quát phần mềm Site management 1.0
Hình 02: Giao diện cập nhật dữ liệu
Hình 03: Đánh giá và phân vùng tiềm năng lập địa
Hình 04: Thiết lập và phân tích các mô hình toán học
4.2 Chức năng phần mềm
a) Cập nhật và chuẩn hóa dữ liệu
Hệ thống dữ liệu cơ bản của phần mềm có thể bị thay đổi ít nhiều trong quá trình ứng dụng hoặc phải bổ sung thêm dữ liệu theo yêu cầu thực tế. Mặt khác để có thể chạy được các mô hình toán thì dữ liệu phải có sự chuẩn hóa mới có thể sử dụng được trong các hàm toán học. Xuất phát từ những nội dung này, phần mềm phải có chức năng cập nhật, chuận hóa lại dữ liệu mới có thể cho kết quả phản ánh đúng thực tế và chính xác như mong muốn. Những nội dung về cập nhật và chuẩn hóa dữ liệu mà phần mềm này thực hiện, gồm: (1) Kiểm tra và cập nhật theo đơn vị hành chính cấp huyện, xã. (2) Kiểm tra, cập nhật theo đơn vị lập địa tiểu vùng lập địa, nhóm dạng lập địa, dạng lập địa. (3) Kiểm tra và cập nhật theo các yếu tố cơ bản cấu thành điều kiện lập địa: loại đất, độ dốc, độ dày tầng đất, độ cao tuyệt đối, lượng mưa bình quân năm, tỷ lệ kết von và thành phần cơ giới. (4) Kiểm tra và cập nhật theo đơn vị chủ rừng. (5) Kiểm tra và cập nhật lại tư vấn sử dụng đất theo các cấp tiềm năng, theo khả năng thích hợp với các loại cây. (6) Chuẩn hóa dữ liệu theo: các yếu tố lập địa, theo đơn vị lập địa, theo chỉ số đất và chỉ số sinh trưởng cho mỗi loại cây, điểm tiềm năng của các nhân tố, điểm và cấp tiềm năng của dạng lập địa, cấp thích hợp cho một số loài cây lâm nghiệp chủ yếu.
b) Tra cứu dữ liệu
Lưới cơ sở dữ liệu lập địa có 687.466 điểm lập địa, mỗi điểm lập địa có tới 70 trường thuộc tính đính kèm. Vì vây, để thuận lợi cho người sử dụng thì phải có hệ thống tra cứu thông tin theo yêu cầu của người dùng. Đề tài này đã thiết kế các mô đun tra cứu lập địa theo từng yếu tố lập địa, theo tọa độ địa lý, theo đơn vị hành chính, theo chủ rừng, theo hiện trạng sử dụng đất, theo đơn vị lập địa, theo khả năng thích hợp với mỗi loài cây trồng, theo tiềm năng lập địa.
c) Thống kê
Những chức năng thống kê của phần mềm này, gồm: (1) Thống kê một nhân tố theo đơn vị hành chính đến cấp huyện, gồm tổng diện tích tự nhiên và diện tích đất lâm nghiệp. (2) Thống kê một nhân tố theo đơn vị chủ rừng. (3) Thống kê một nhân tố cấu thành điều kiện lập địa trên phạm vi toàn tỉnh và trong đất lâm nghiệp. (4) Thống kê một nhân tố theo mục đích sử dụng đất lâm nghiệp. (4) Thống kê một nhân tố theo hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp. (5) Thống kê tiềm năng lập địa từ cấp 1 đến cấp 4 trên phạm vi toàn tỉnh và trong lâm phần. (6) Thống kê phân loại lập địa từ cấp tiểu vùng đến cấp dạng lập địa trên phạm vi toàn tỉnh và cho đất lâm nghiệp.
d) Phân chia lập địa
Phân mềm này phân chia lập đia cho: (1) cấp tiểu vùng lập địa cho toàn tỉnh và cho đất lâm nghiệp. (2) Cấp nhóm dạng lập địa cho toàn tỉnh và cho đất lâm nghiệp. (3) Cấp dạng lập địa cho toàn tỉnh và cho đất lâm nghiệp
e) Chương trình đánh giá lập địa
Các chức năng đánh giá lập địa của phần mềm này, gồm: (1) Đánh giá tiềm năng lập địa trên phạm vi toàn tỉnh. (2) Đánh giá tiềm năng lập địa trên phạm vi toàn tỉnh theo từng nhân tố. (3) Đánh giá tiềm năng lập địa cho các huyện có đất lâm nghiệp. (4) Đánh giá khả năng thích hợp lập địa cho một số loại cây trồng lâm nghiệp chủ yếu. (5) Phân vùng lập địa theo khả năng thích hợp cho một số loại cây trồng lâm nghiệp chủ yếu trên phạm vi toàn tỉnh. (6) Phân vùng lập địa theo khả năng thích hợp cho một số loại cây trồng trên các huyện có đất lâm nghiệp.
f) Ý nghĩa thực tiễn
Sử dụng phần mền này nang người quản lý, sử dụng đất, người nghiên cứu khoa học những thuận lợi, hiệu quả sau:
– Biết ngay được những thông tin về lập địa của mỗi điểm lập địa trên địa bàn tỉnh khi biết được tọa độ của nó như (loại đất, độ cao, độ dốc, độ dày tầng đất, lượng mưa, nhiệt độ, tiềm năng, thích hợp với mỗi loại cây trồng ở mức độ nào? giảm thiểu tối đa công tác điều tra ngoại nghiệp.
– Biết ngay tổng diện tích mình đang quản lý, trong đó có những loại lập địa nào? Đặc điểm tự nhiên của nó ra sao? tiềm năng của nó như thế nào?, phù hợp với loại cây gì đến từng ha (điểm lập địa) để phục vụ cho quy hoạch sử dụng đất ở tầm vĩ mô và vi mô.
– Dễ dàng trong việc chọn lọc những dạng lập địa theo yêu cầu của người quản lý sử dụng đất để phục vụ cho quy hoạch sử dụng đất.
– Quy hoạch sử dụng đất cho một số loài cây lâm nghiệp chủ yếu như Sao đen, Dầu rái, Keo lai, Cao su, Điều từ cấp vĩ mô đến cấp vi mô một cách hợp lý nhất dựa trên cơ sở đánh giá đất lâm nghiệp.
– Xây dựng và phân tích một số mô hình hồi quy một nhân tố, nhiều nhân tố giữa sinh trưởng của cây trồng với lập địa.
– Kết nối được với các phần mềm thông dụng khác một cách tiện lợi trong sử dụng như: Mapinfo professional, Excel, Statgraphics, word, media…
5. Kết luận
– Phần mềm quản lý lập địa tỉnh Bình Phước – Site management 1.0 này có khả năng cài đặt độc lập trên máy tính, đã được kiểm tra độ chính xác, có khả năng xử lý dữ liệu với khối lượng lớn, tốc độ xử lý nhanh, thiết kế giao diện trực quan, có khả năng chạy được các chương trình Mapinfo, Stagrphics, Excel, Word trên phần mềm này, dễ sử dụng và đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về nghiên cứu đánh giá lập địa và phục vụ cho công tác quản lý, sản xuất nông lâm nghiệp.
– Phần mềm quản lý lập địa tỉnh Bình Phước Site management 1.0 là phần mềm nghiệp vụ cần được chuyển giao đến các đơn vị sản xuất nông lâm nghiệp, cơ quan quản lý tài nguyên đất tỉnh Bình Phước ứng dụng vào thực tiễn theo chủ trương chuyển đổi số của tỉnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Việt Anh và Ngô Đình Quế (2010), Phần mềm đánh giá đất lâm nghiệp FOLES, Viện Khoa học Lâm nghiệp, Hà Nội.
2. Trần Quốc Hoàn, Phùng Văn Khoa (2013), “Xây dựng lưới cơ sở dữ liệu lập địa tỉnh Bình Phước”, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 212 (5), tr 94-99.
3. Vũ Nhật Minh (2007), Thực hành lập trình MICROSOFT VISUAL FOXPRO 9.0. Nhà xuất bản giao thông vận tải, Hà Nội.
4. Vương Văn Quỳnh (2012), Kiểm kê rừng Hà Tỉnh, Trường Đại học Lâm nghiệp, Hà Nội.
5. Ông Văn Thông (2001), Bài mẫu ứng dụng Visual FOXPRO 6.0, Nhà xuất bản thống kê, Hồ Chí Minh
6. Michael A., Alice A., Marl A., Richard L.C., Jay V.S., Richard S., Authur Y. (1996), Using Visual Foxpro 5, QUE Corporation, United States of America,924 pages.
7. Statpoit Technologies, Inc (2010). Centurion XVI user manual. www. STATGRAPHICS.com
(Để có đầy đủ thông tin về phần mềm, hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi)
QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ. Chuyển đổi số nâng tầm thương hiệu Việt!
Xin cảm ơn đã xem bài viết!