QUÁ TRÌNH ÁP DỤNG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC SẢN PHẨM HÀNG HÓA Ở VIỆT NAM
Hồng Lĩnh
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản phẩm hàng hóa ở Viêt Nam đã được luật hóa, quy định trong luật và các văn bản dưới luật, như: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29/6/2006. Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày 21/11/2007. Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010. Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008. Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018. Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022. Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 2979/QĐ-BKHCN ngày 14/10/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trên cơ sở Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 và Quyết định số 2979/QĐ-BKHCN ngày 14/10/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hơn 20 (một số) tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc. Những văn bản nêu trên vừa là hành lang pháp lý vừa là định hướng phát triển hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên phạm vi cả nước.
Trước yêu cầu thực tiễn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; đặc biệt trong thời kỳ hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì mặc dù còn khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng đã được các bộ, ngành và địa phương triển khai trên phạm vi rộng, trong đó:
– Ngày 21/3/2023, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mai) đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đúc (GIZ) ra mắt “Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại”. Nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân cập nhật thông tin về nguồn gốc sản phẩm (thông tin chung, nhật ký điện tử trong quá trình canh tác, sản xuất, chế biến, phân phối…) theo phương thức trực tuyến. Hệ thống được xây dựng trên cơ sở áp dụng công nghệ chuổi khối (BlockChain).
– Năm 2021, Cục Xúc tiến thương mại đã có tem truy xuất nguồn gốc iTrace247 áp dụng cho thị trường nội địa đối với các sản phẩm rau, củ, quả, trái cây của tỉnh Hải Dương, Sơn La và Bắc Giang. Tem truy xuất nguồn gốc iTrace247 hiễn thị được các ngôn ngữ khác nhau theo yêu cầu của khách hàng. Đối với sản phẩm Vải thiều Hải Dương, Tem iTrace247 hiễn thị thông tin bằng ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Nhật đã được xuất khẩu sang Singapore và Nhật Bản (https://moit.gov.vn/).
– Nắm bắt được xu thế này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng cho mình bộ truy xuất hàng hóa, đặc biệt là nông sản theo những tiêu chuẩn có uy tín như GAP, GlobalGAP, ASC, BAP… Các doanh nghiệp này không chỉ nỗ lực đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn hướng đến mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế vốn có đòi hỏi cao và nghiêm ngặt về các chuẩn mực chất lượng (https://hanoimoi.com.vn/).
– Từ năm 2015, Công ty cổ phần Khóa Việt – Tiệp đã áp dụng quy trình xác thực chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng yên tâm khi mua sản phẩm (https://hanoimoi.com.vn/).
– Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100), UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 12/01/2022 thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030 và Công văn số 2723/UBND-KGVX này 19/8/2022 yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã: (i) Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động truy xuất nguồn gốc. (ii) Đào tạo, tập huấn về truy xuất nguồn gốc. (iii) Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn để xây dựng “Hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của thành phố”, bảo đảm kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc, sản phẩm hàng hóa quốc gia (https://hanoimoi.com.vn/).
– Đến nay, hầu hết các địa phương ban hành kế hoạch thực hiện Đề án 100, trong đó: (i) 45 địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, đào tạo các nội dung trong Đề án 100. (ii) 40 địa phương đã xác định được sản phẩm đặc trưng ưu tiên thực hiện truy xuất nguồn gốc. (iii) 26 địa phương đã có các hoạt động chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc. (iv) 25 địa phương đã triển khai truy xuất nguồn gốc hoặc đã áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm cụ thể. (http://tbtagi.angiang.gov.vn/).
Hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên phạm vi cả nước đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, như: (i) Chưa có Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia và các địa phương. (ii) Chưa đầy đủ hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn về hoạt động truy xuất nguồn gốc (các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng hệ thống truy nguồn gốc, chưa quy định về thông tin truy xuất (tối thiểu, thiết yếu). (iii) Có thể thấy, hầu hết các sản phẩm đều có mã vạch hoặc mã QR, nhưng phần lớn thông tin chứa trong các mã đó chỉ đơn thuần là thông tin tên sản phẩm, nơi trồng, nơi đóng gói, mã lô nguyên liệu, cách sử dụng sản phẩm., mà không có thông tin về chất lượng sản phẩm. (iv) Các giải pháp phần mềm truy xuất nguồn gốc hiện nay rất đa dạng và có nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) khác nhau tùy thuộc vào đơn vị cung cấp giải pháp. (v) Các CSDL về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hiện nay còn rời rạc chưa có sự đồng bộ hóa, chưa có sự kiểm tra chéo thông tin, chưa có kết nối thông tin giữa các CSDL. (vi) Tem điện tử để triển khai truy xuất chưa có chuẩn hóa nên khó khăn cho việc lựa chọn triển khai. (vii) Vấn đề đáng quan tâm là, tại một số siêu thị, trong khi nông sản là mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm nhất về an toàn thực phẩm thì việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn rất hạn chế và không tuân thủ các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc. (viii) Số lượng lớn người tiêu dùng còn nghi ngờ hàng hóa không đảm bảo chất lượng do chưa minh bạch những thông tin thiết yếu của sản phẩm. (ix) Cung cấp và xác thực thông tin truy xuất nguồn gốc còn hạn chế. Do, người sản xuất chưa có thói quen ghi chép nhật ký sản xuất, bên cạnh đó việc xác thực thông tin do người sản xuất cung cấp còn hạn chế. (x) Theo chuyên gia về mã số, mã vạch, sản phẩm cần truy xuất được thông tin toàn bộ chuỗi cung ứng, như thông tin sử dụng loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nào, thông tin các công đoạn trồng, sơ chế, quá trình vận chuyển, bảo quản như thế nào. (xi) Đối chiếu với tiêu chuẩn đó, có thể thấy nhiều đơn vị kinh doanh chưa bảo đảm nguyên tắc minh bạch thông tin và nguyên tắc phải có sự tham gia đầy đủ của các bên trong chuỗi cung ứng (https://nhandan.vn/).
Trên đây là khái quát về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong trên phạm vi cả nước trong những năm qua; là thông tin tham khảo có giá trị cho những tổ chức, cá nhân có hoạt động về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29/6/2006.
- Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày 21/11/2007.
- Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010.
- Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018.
- Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022.
- Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
- Quyết định số 2979/QĐ-BKHCN ngày 14/10/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- https://nhandan.vn.
- https://nhandan.vn.
- https://moit.gov.vn.
- https://hanoimoi.com.vn.
- http://tbtagi.angiang.gov.vn.
Xin cảm ơn đã xem bài viết!