NHỮNG GIẢI PHÁP ĐƯA GIÁ ĐẤT VỀ ĐÚNG GIÁ TRỊ THẬT
Trong bối cảnh giá nhà đất không ngừng tăng cao, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp để giúp hạ giá nhà đất.
Trong bối cảnh giá nhà ở Hà Nội, TPHCM không ngừng tăng cao, các chuyên gia đã đề xuất các giải pháp để đưa bất động sản về đúng giá trị thật. Ảnh: BÌNH AN
TS Trần Xuân Lượng – Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam – nhận định, mặc dù Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực thi hành, đã bao trùm được nhiều lĩnh vực, góc độ của thực tiễn. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại chưa đi sâu vào các vấn đề thực tế, thực tiễn cuộc sống của người dân. Đó là, còn nhiều khoảng trống, kẽ hở trong việc xác định giá đất, quy trình thu thập dữ liệu đất đai, định giá đất và quy trình đấu giá đất cần phải bổ sung để những việc này có tính khách quan, công khai, minh bạch hơn.
Để điều tiết về giá đất, Nhà nước cần có nhiều biện pháp khác nhau, nhằm xử lý bài toán về “cung – cầu” cân bằng. Theo đó, phải hạ nhiệt “cung – cầu” nhà ở bằng cả nội lực và ngoại lực.
Đối với chính sách tài khóa, Nhà nước cần phải nghiên cứu việc đánh thuế đúng và trúng đối tượng, đồng thời ban hành các quy định về khâu thu thập dữ liệu định giá, xây dựng bảng giá đất sát với giá thực của thị trường.
Bên cạnh đó, về chính sách tiền tệ, lãi suất cũng cần tách biệt giữa các đối tượng. Trường hợp doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) thì lãi suất có ưu đãi hơn, có thể giảm 3-5% hoặc rút gọn quy trình thực hiện thủ tục hành chính cấp phép đầu tư và xây dựng. Còn đối với những người vay tiền để mua NƠXH cũng cần có những chính sách tương tự và phù hợp.
Cùng với đó, trường hợp những người đã có nhà rồi nhưng vẫn muốn mua thêm đất để đầu tư cũng cần phải có những chính sách riêng, mức lãi suất riêng.
TS Trần Xuân Lượng – Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường BĐS Việt Nam – đề xuất các giải pháp giúp giảm giá nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp
TS Trần Xuân Lượng cho rằng, để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá đất qua các phiên đấu giá cần phải có thêm những biện pháp như thành lập Hội đồng giám sát việc đấu giá đất độc lập, đồng thời áp dụng và thiết lập thêm chính sách về giá trần, giá sàn. Trong trường hợp giá sàn và giá trần vượt ngưỡng thì sẽ hủy phiên đấu giá đó. “Cần phải có những quy định hành chính bổ sung như công khai mục đích mua. Nếu để ở thì cần cung cấp giấy tờ kê khai vào hồ sơ đấu giá như chứng minh công việc, kế hoạch xây dựng nhà, kế hoạch sinh sống, chứng minh nguồn tiền để phòng, chống việc rửa tiền. Cơ quan quản lý Nhà nước cần phải đưa ra những chính sách, nghị định phù hợp hơn, sát với thực tiễn hơn, khi đó thị trường BĐS mới có thể đi vào ổn định được” – ông Lượng nói.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam – cho rằng, để giá đất tăng giảm theo đúng thị trường, việc ban hành chính sách thuế BĐS là công việc cấp bách, không thể thấy khó mà bỏ qua.
Đánh thuế BĐS hiệu quả và minh bạch, hướng tới những đối tượng tích lũy, đầu cơ thay vì những đối tượng mua bất động sản phục vụ mục đích sinh sống hay tổ chức sản xuất kinh doanh sẽ vừa giúp tăng nguồn thu ngân sách, vừa giúp điều tiết thị trường. Theo đó, sắc thuế cần áp dụng với ngôi nhà thứ 2 trở lên. Việc người có nhiều tài sản, tài sản lại không ngừng sinh lời thì việc nộp thuế nhiều hơn là điều đương nhiên. Thực tế, hầu hết người mua nhà trong thời gian qua là người mua nhà thứ 2, thứ 3.
Chính sách thuế này sẽ khiến người dân hạn chế hoặc không còn nhiều động lực đầu cơ, kiềm chế đà tăng giá nhà đất, bởi cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác, việc sở hữu BĐS đầu cơ trở nên rủi ro hơn. Mua đi bán lại BĐS để ăn chênh lệch, hay tạo cung cầu ảo để thổi giá nhà dần trở nên vô nghĩa. Đồng thời, khuyến khích các chủ sở hữu đưa BĐS “bỏ hoang” cho thuê hoặc bán đi, thông qua đó tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người dân có nhu cầu ở thực.
Xin cảm ơn đã xem bài viết!